Đa dạng phương thức xét tuyển giúp thí
sinh có thêm cơ hội vào ngôi trường mình mơ ước. Thế nhưng nhiều người lại lúng
túng khi tiếp cận với hàng loạt phương án phức tạp.
Lựa chọn phương thức xét tuyển theo lợi
thế
Hiện nay, theo thống kê sơ bộ có trên
10 phương thức tuyển sinh đại học đang được sử dụng. Ví dụ như: Xét tuyển bằng
điểm thi tốt nghiệp THPT; Xét tuyển bằng học bạ THPT; Xét tuyển bằng kỳ thi
riêng; Xét tuyển thẳng, xét tuyển ưu tiên theo quy chế của Bộ GDĐT và theo đề
án tuyển sinh riêng của các trường; Xét tuyển kết hợp giữa điểm thi năng khiếu;
Xét tuyển kết hợp giữa điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm học bạ THPT…
Trong đó, các cơ sở giáo dục thường áp
dụng đồng thời 5-7 phương thức, kết hợp cả thi tuyển và xét tuyển.
Về mặt tích cực, việc này giúp thí sinh
có đa dạng sự lựa chọn trong tuyển sinh đại học. Tuy nhiên, nhiều thí sinh, phụ
huynh cảm thấy lúng túng khi tiếp cận với hàng loạt phương án phức tạp.
Về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi
- Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Y Dược TPHCM - cho biết, hiện các phương
thức xét tuyển đa dạng ở trường đại học một phần nào đó khiến một số phụ huynh
cảm thấy rắc rối.
"Muốn nắm thật kỹ các phương thức
xét tuyển của một trường đại học, phụ huynh và học sinh nên liên hệ trực tiếp
và hỏi thật kỹ bộ phận tuyển sinh ở đại học ấy" - PGS Khôi nói.
Dành lời khuyên cho thí sinh, PGS.TS
Nguyễn Xuân Thạch - Trưởng ban Quản lý Đào tạo, Học viện Tài chính - cho rằng,
thí sinh hãy tận dụng tất cả cơ hội có thể đến với mình, lựa chọn phương thức
xét tuyển bản thân có lợi thế.
"Ví dụ, nếu có lợi thế về điểm thi
hãy lựa chọn phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT; có lợi thế về kết quả học
tập hãy lựa chọn phương thức xét học sinh giỏi, xét học bạ; sở hữu chứng chỉ
ngoại ngữ nên lựa chọn phương thức xét tuyển kết hợp..." - PGS Thạch nói.
Không nên đăng ký quá nhiều nguyện vọng
Năm 2022 đã ghi nhận trường hợp đăng ký
cả trăm nguyện vọng. Theo đó, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại
học (Bộ GDĐT) khuyến cáo, thí sinh không cần đăng ký quá nhiều nguyện vọng.
Trước khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển,
thí sinh cần có định hướng nghề nghiệp theo sở trường, thế mạnh của mình. Ngoài
ra, việc đăng ký nguyện vọng được thực hiện sau khi biết kết quả thi tốt nghiệp
THPT. Đây là cơ hội để thí sinh cân nhắc đăng ký nguyện vọng theo thứ tự ưu
tiên của mình.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cũng cho rằng,
thí sinh không nên tham gia quá nhiều kỳ thi tuyển sinh độc lập để không bị
phân tán sức lực. Các em nên tập trung vào kỳ thi tốt nghiệp THPT bởi hầu hết
các trường đều xét tuyển bằng phương thức này.
"Thí sinh không nên đăng ký quá
nhiều nguyện vọng. Đừng dồn quá nhiều nguyện vọng vào các nhóm ngành có điểm
tương đồng. Đăng ký 100 nguyện vọng chưa chắc tăng cơ hội nếu không biết cách xếp
nguyện vọng" - PGS.TS Nguyễn Thu Thủy nói.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học cũng lưu
ý, thời gian thi tốt nghiệp THPT năm nay sớm hơn, vào cuối tháng 6. Từ ngày 10
- 30.7, thí sinh bắt đầu đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển. Thí sinh được
đăng ký không giới hạn số lượng nguyện vọng. Ngày 25.7, Bộ GDĐT công bố ngưỡng
đảm bảo chất lượng khối ngành sức khỏe và sư phạm.
Sau khi đăng ký xét tuyển, từ 31.7 -
6.8, thí sinh nộp lệ phí xét tuyển. Ngày 22.8 công bố kết quả trúng tuyển, muộn
nhất 6.9 thí sinh phải xác nhận nhập học.
Nhận xét
Đăng nhận xét