Chuyển đến nội dung chính

NHẬN DIỆN SỰ THẬT

Sáng sớm, đọc được cái tin: có 2 nhóm người (một nhóm 10 tên, và nhóm còn lại 30 tên) đã tấn công vào trụ sở công an và trụ sở UBND của hai xã thuộc huyện Cư Kuin, tỉnh Đak Lak, thảm sát 4 cán bộ chiến sĩ, một chủ tịch xã, làm bị thương 2 cán bộ chiến sĩ, một bí thư xã và đặc biệt, bọn chúng đã ra quốc lộ, chặn một xe ôtô của người dân, và gây ra cái chết của hai người vô tội này. Đọc xong cái tin, mình lạnh sống lưng.

Lạnh sống lưng vì nhiều lẽ.

Có lẽ, cái lẽ đầu tiên là đập vào mắt mình vài bài viết của vài người hình như là vỗ ngực bảo là nhà báo… Lên bài với giọng điệu “hỉ hả”… Và bên cạnh đó, cũng có vài cái tút ngăn ngắn, viết kiểu “bâng quơ” của vài tinh bông, cũng ra điều rất “hả dạ” – một sự khốn nạn của những kẻ chơi trò con chữ.

Cái lẽ thứ hai, là một nỗi buồn. Nỗi buồn trỗi dậy từ một câu hát: “đất nước gian lao chưa bao giờ bình yên” – cái gian lao ấy đã lấy đi máu của hàng triệu triệu người Việt, qua hàng ngàn năm… Để đến bây giờ, dù “mang tiếng” sống trong cảnh hòa bình, nhưng vẫn còn có người đổ máu.

Cái lẽ cuối cùng, có lẽ là cái lẽ lớn nhất, khi dân trí (nói thì to tát quá) – nhỏ hơn là nhận thức của người Việt, thực sự có vấn đề.

Cư Kuin là tên gọi mới của một huyện được tách ra từ huyện Krong Ana và thành phố Buôn Ma Thuộc. Địa danh này ngày xưa có tên gọi là Kim Sơn hay Giáo xứ Trung Hòa, cách sân bay Buôn Ma Thuột khoảng 8km, cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 16km. Cách đây chưa đầy hai tháng, thành phố Buôn Ma Thuột khánh thành đại lộ Đông Tây dài 5km, nối thẳng trung tâm thành phố đến sân bay Buôn Ma Thuột – đại lộ Đông Tây vắt ngang trọn qua đỉnh đồi Trần Hưng Đạo.

Ngược thời gian, vào năm 1975, sau khi thống nhất đất nước, Ba mình được điều động về vùng đất Tây Nguyên để tiếp quản và xây dựng vùng đất này. Năm 1976, Ba mình đón Mẹ mình và mình vào. Ba mua một cái nhà ở ngay lòng chảo của một giáo xứ có tên gọi là “Ba Toa” – hay còn gọi là Xóm Cầu Chui. Nhà mình nhìn thẳng lên đồi Trần Hưng Đạo, là nơi đặt trận địa pháo trong cuộc tấn công ngày 10/3/1975 lịch sử. Gọi là nhìn thẳng, bởi nếu đi lòng vòng chưa tới 900 mét là đến đỉnh đồi.

Những ngày tháng năm 1976 đó, cứ mỗi khi trời chập choạng tối là Ba mình kéo cửa sắt lại, khóa trái và gác khẩu AK47 ngay cạnh mép cửa. Bởi ngày đó, đồi Trần Hưng Đạo là địa bàn hoạt động của tổ chức phản động có tên là FULRO. Bọn chúng có thể bất thình lình tràn vào xóm xả súng, giết người và cướp của bất cứ lúc nào.

FULRO là tên viết tắt của cụm chữ: Front Uni de Lutte des Races Opprimées (Mặt trận Thống nhất Đấu tranh của các Sắc tộc bị Áp bức), được thành lập năm 1964. Tiền thân của tổ chức này là phong trào BAJARAKA, xuất hiện năm 1958, mục tiêu của phong trào này là thành lập một liên minh các dân tộc Tây Nguyên, chống lại sự áp bức, phân biệt đối xử với các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên (Jarai, M’Nông, Bana, Ê đê…). Những người đứng đầu phong trào này muốn tách khối các dân tộc thiểu số Tây Nguyên ra khỏi chế độ VNCH, thành một khu vực độc lập quay trở lại trực thuộc khối Liên hiệp Pháp. Và đương nhiên, đã bị Mỹ và chế độ ngụy quyền VNCH đàn áp. Tuy nhiên, đến năm 1964, sau cuộc đảo chính 1963, Mỹ và chế độ ngụy quyền VNCH đã “trưng dụng” và sử dụng tổ chức này như là một công cụ để “ổn định” khu vực Tây Nguyên.

Dưới bàn tay của Mỹ, ngày 20 tháng 9 năm 1964, tại Campuchia với sự chủ tọa của quốc vương Sihanouk, Mặt trận Thống nhất Đấu tranh của các Sắc tộc bị Áp bức được thành lập (tiếng Pháp: Front Uni de Lutte des Races Opprimées, gọi tắt là FULRO). Và được chia thành các nhóm:

- Mặt trận Giải phóng Cao nguyên (Front de Libération des Hauts Plateaux, FLHP) tức FULRO Thượng - do Y Bhăm Êñuôl chỉ huy, hoạt động chủ yếu tại Mondulkiri.

- Mặt trận Giải phóng Champa (Front de Libération du Champa, FLC) tức FULRO Chăm - do Les Kosem (một tướng nhảy dù người Khmer gốc Chăm) lãnh đạo, hoạt động chủ yếu tại Ninh Thuận.

- Mặt trận Giải phóng Campuchia Krom (Front de Libération du Kampuchea Krom, FLKK) tức FULRO Khmer Hạ - do Chau Dera làm đại diện, hoạt động chủ yếu tại đồng bằng sông Cửu Long.

- Mặt trận Giải phóng Campuchia Bắc (Front de Libération du Kampuchea Nord, FLKN) tức FULRO Khmer Thượng, hoạt động chủ yếu tại Hạ Lào.

Nói đến đây, chúng ta có thể hình dung về lịch sử hình thành, động cơ và quy mô của tổ chức này như thế nào rồi.

Những ngày tháng sau năm 1975, được sự tài trợ và bảo trợ của chính phủ Mỹ, tổ chức FULRO có mặt rộng khắp địa bàn Tây Nguyên. Ba mình nói: chúng rình rập, bắt cóc người Kinh cướp của và c.h.ặ.t đ.ầ.u t.hủ ti.êu, chúng vô cùng liều lĩnh và man rợ. Mình nhớ năm 1982, một chuyến xe đò (xe khách) chở 28 người đi từ Buôn Ma Thuột xuống Đaknong, qua một cái dốc cao có địa danh là Cầu 320, đã bị chúng ra chặn, xả súng và toàn bộ người dân đi trên chuyến xe đó không ai sống sót. Bản thân Ba mình khi đi công tác ở các địa bàn huyện, lúc nào cũng mang theo khẩu AK47 bên mình.

Quân đội, Công an và các lực lượng vũ trang vô cùng vất vả để truy quét và tiêu diệt tổ chức này. Mãi đến tận năm 1992, sau bao nhiêu nhân mạng vô tội bị giết chết, bao nhiêu liệt sĩ hy sinh trong các đợt truy quét và tiêu diệt, tổ chức này mới chính thức bị quét sạch trên lãnh thổ Việt Nam. Tại Campuchia, có 407 tên ra đầu hàng lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, và được mang sang Mỹ tị nạn chính trị (sống tập trung tại bang Colorado – Hoa Kỳ).

Những mầm mống tội ác vẫn còn đó, chúng được nuôi dưỡng bởi ai thì có lẽ đọc đến đây, người đọc cũng đã rõ…

Năm 2000, tại tiểu bang Colorado, một nhà nước tự xưng được dựng lên với tên gọi: Cộng hòa Đề Ga hay còn có tên gọi khác là: nhà nước Đề Ga tự trị - có tổng thống tự phong là Ksor Kơk. Với sự bảo trợ của Mỹ từ tài chính và vũ khí, tháng 4 năm 2004, bọn chúng đã quay về tạo nên cuộc “bạo loạn Tây Nguyên”, hiển nhiên cuộc bạo loạn này đã nhanh chóng bị dập tắt bằng cuộc đấu tranh chính trị khôn ngoan và diễn ra trong hòa bình của các lực lượng vũ trang Việt Nam.

Tại sao chúng ta lại phải chọn đường lối đấu tranh chính trị mà không phải là một cuộc “đàn áp bằng vũ lực”? Đơn giản là, đâu đó bên ngoài kia, các thế lực bên ngoài đã chuẩn bị và chực chờ, chỉ cần một tiếng súng nổ, là họ sẽ “can thiệp hòa bình” như đã từng diễn ra tại Kosovo, Libya, Syria…

Cho nên, phàm là người nói tiếng Việt, nếu thực sự yêu sự thanh bình, hãy cố gắng mở mắt – mở não để nhận diện đúng các sự thật trước các “diễn biến hòa bình” mà ở đó, những kẻ ngoại bang không mong đợi ở xứ sở này một sự bình yên đúng nghĩa.

Dù chưa có các thông tin xác thực về vụ việc tối hôm qua, song cá nhân mình nghĩ: những mầm mống ảo tưởng về sự chia rẽ khối đoàn kết dân tộc, xâm phạm hòa bình thống nhất của đất nước, dưới chiêu bài “diễn biến hòa bình” từ các thế lực ngoại bang đã đứng đằng sau vụ việc này.

Nó không đơn giản để chúng ta xem đó chỉ là một sự “bức xúc” xã hội, bởi cách chúng hành động rất có tổ chức, có sự chuẩn bị, có mục tiêu định trước, và sự tàn ác vẫn đúng với bản chất của các tổ chức khủng bố quốc tế mà chúng ta từng chứng kiến.

Với những hiểu biết chưa hết của mình, mình tin rằng bọn chúng không có cơ hội để thực hiện các mưu đồ đó. Song, cái đáng bàn là những sự “hân hoan”, “hỉ hả” của bao kẻ đã được đề cập bên trên.

Đất nước gian lao chưa bao giờ bình yên

Bão thổi chưa ngưng trong những vành tang trắng!!!

Xin nghiêng mình chia buồn cùng với gia đình của các nạn nhân, là các chiến sĩ công an, những người dân, đồng bào vô tội đã ngã xuống bởi bọn khủng bố tàn ác hôm qua tại quê hương mình.

 




Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

NHỮNG KẺ MANG DANH "TÙ NHÂN LƯƠNG TÂM"

           Gần đây, các thế lực thù địch, phản động tiếp tục bám vào những đối tượng được đặt cho cái tên rất kêu là “tù nhân lương tâm” để chống phá Việt Nam thông qua vấn đề dân chủ, nhân quyền. Song, ngẫm lại thì thấy các chiêu bài chống phá ấy cuối cùng vẫn chỉ xoay quanh việc đưa ra những luận điệu xuyên tạc, cùng với đó là những đòi hỏi đi ngược với luật pháp và thực tế nhằm đánh lừa dư luận về tình hình bảo đảm quyền con người ở nước ta.           Trong báo cáo công bố vào giữa tháng 1 vừa qua, Tổ chức Theo dõi nhân quyền (Human Rights Watch-HRW) cho rằng, trong năm 2020, chính quyền Việt Nam đã gia tăng trấn áp những người cổ vũ cho các quyền dân sự và chính trị cơ bản, đặc biệt là quyền tự do ngôn luận và q...

MAI PHAN LỢI - MỘT KỀN KỀN KHOÁC DANH NHÀ BÁO

           Đúng 5 năm sau khi rút thẻ nhà báo, kền kền Mai Phan Lợi bị cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội khởi tố và bắt tạm giam để điều tra tội trốn thuế, theo điều 200 BLHS. Đây là hậu quả cho những gì mà Mai Phan Lợi đã làm, ngay từ thời anh ta còn làm nhà báo, thậm chí giữ chức vụ rất cao - Phó tổng thư ký tòa soạn, Trưởng văn phòng đại diện báo Pháp luật TP HCM tại Hà Nội.           Nhiều người biết đến Mai Phan Lợi thông qua sự kiện vụ mất máy bay Casa 212. Năm 2016, trong khi nhân dân cả nước đang hàng ngày ngóng chờ các tin tức mới nhất tìm kiếm 9 sỹ quan, cán bộ, chiến sĩ mất tích cùng máy bay CASA 212 trong lúc thực hiện nhiệm vụ; tuy nhiên, không hiểu vì động cơ gì, nhà báo Mai Phan Lợi, quản trị Diễn đàn nhà báo trẻ - đã ngay lạ...

TẠI SAO GIÁO SƯ NGÔ BẢO CHÂU ĐÓNG FACEBOOK?

          Ngày 26/6 vừa qua, trên trang fb cá nhân của mình, giáo sư Ngô Bảo Châu vừa quyết định sẽ rời bỏ mạng xã hội Facebook. Không đưa ra lý do cụ thể khi quyết định rời Facebook, Giáo sư Châu cho biết, thời gian gần đây không còn cảm giác hào hứng với mạng xã hội nói chung và Facebook nữa. Ngô Bảo Châu viết: "Tôi nhận thấy rằng trang FB này không còn là kênh thích hợp để tôi tiếp nhận thông tin, tri thức cũng như để tôi chia sẻ suy nghĩ của mình nữa".           Nhiều người ngạc nhiên với quyết định của Ngô Bảo Châu, nhưng nếu theo dõi những hoạt động, trong đó có những "phốt" của anh giáo sư này trên mạng xã hội Facebook, thì nhiều người sẽ không ngạc nhiên. Là một người được dư luận quan tâm, khi trở thành nhà toán học đầu tiên của Vie...