Việt Nam có khoảng 24,7 triệu người là
trẻ em, trong đó 2/3 trẻ có thể tiếp cận thiết bị kết nối Internet. 1/4 số trẻ
được khảo sát chia sẻ rằng các em từng có trải nghiệm đau buồn khi sử dụng mạng
xã hội. 1/3 số trẻ sử dụng mạng là nạn nhân của bắt nạt trên mạng. Chưa bao giờ
việc tiếp cận trẻ em và có thể có động thái xâm hại trẻ em lại dễ dàng đến vậy.
Theo một số đơn vị sản xuất nội dung,
trong tất cả các tiêu chí câu view hoặc hướng dẫn cách câu view trên Youtube,
chất lượng nội dung luôn được đặt lên hàng đầu, mang đến lượng view ổn định.
Tuy nhiên, các clip trên mạng xã hội như Facebook, Youtube, Tiktok có lượt xem
(view) cao thường là về giải trí hoặc những chuyện giật gân, “độc”, lạ. Đó là
lý do mà các kênh youtuber mới nổi thu hút lượt view cao thường tìm những chiêu
trò khai thác vào yếu tố “độc”, “lạ” thậm chí có tính giật gân.
Hầu hết các Youtuber, Tiktoker khi xác
định đây là nghề kiếm tiền đều nhận thức được điều này và lạm dụng các chiêu
trò để câu view, bất chấp các chuẩn mực đạo đức khiến chính cộng đồng mạng lên
tiếng. Các ứng dụng làm video trên điện thoại di động và độ mở của các mạng xã
hội đang tạo điều kiện cho nhiều người có thể làm clip, video. Tuy nhiên, với
xu hướng câu view kiếm tiền, ngày càng nhiều video có nội dung không lành mạnh,
thậm chí phản cảm, bạo lực đang tác động đến suy nghĩ, hành vi và định hướng của
giới trẻ.
Theo khảo sát của Viện nghiên cứu phát
triển bền vững và Tổ chức cứu trợ trẻ em quốc tế, tại Việt Nam, hơn 66% trẻ em
có thể tiếp cận kết nối internet; và 43% trẻ em tiếp cận mạng internet từ 30
phút đến 1 tiếng/ngày. Theo thống kê, hiện mỗi ngày Youtube, Facebook đăng tải
hơn 500 giờ clip, video lên mạng xã hội và điều này cho thấy luồng thông tin khổng
lồ đang tác động tới trẻ em. “Trẻ em xem video hàng ngày sẽ tác động đến suy
nghĩ, phát ngôn và làm theo là điều xem nghe. Những điều phản cảm lặp đi lặp lại
sẽ được trẻ em coi là bình thường nên nhiều bạn cùng bắt chước. Do đó, video
trên mạng đang tác động đến định hướng của giới trẻ”.
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em
(Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết: hiện nay, không ít trẻ em bị
xâm hại và trẻ em đứng trước nhiều rủi ro, nguy cơ xâm hại trong môi trường mạng
(như xâm hại tình dục, nội dung không phù hợp, ứng xử không phù hợp, tiếp xúc
không phù hợp, thương mại điện tử, nghiện internet/game trực tuyến…).
Báo cáo của Cục Trẻ em cũng nêu rõ, Luật
Trẻ em năm 2016, Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 và Luật An toàn thông tin mạng
năm 2018 đã có những quy định liên quan đến bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
Việt Nam đã ký cam kết và cùng đưa ra Tuyên bố về Bảo vệ trẻ em khỏi tất cả các
hình thức bóc lột và lạm dụng trực tuyến trong ASEAN. Tháng 12/2019, đã khai
trương App Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (Tổng đài 111). Các hoạt
động đã triển khai nhằm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, song nhiều đại biểu
cho rằng, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin cùng những diễn biến
phức tạp của tội phạm công nghệ cao khiến trẻ em ngày càng đứng trước nhiều
nguy cơ bị xâm hại.
Tại Hội thảo “Phòng, chống xâm hại trẻ
em trên môi trường mạng và trong cơ sở sở giáo dục” đã được Đoàn giám sát của
Quốc hội tổ chức, Một thông tin đáng lo ngại nữa được đưa ra, cứ 1 trong 4 trẻ
được khảo sát chia sẻ từng có trải nghiệm đau buồn khi sử dụng mạng xã hội. Cứ
1 trong 3 trẻ sử dụng mạng là nạn nhân của bắt nạt trên mạng. Mỗi ngày có hơn
720.000 hình ảnh về xâm hại trẻ em được đưa lên mạng.
Vấn đề rất đáng lo ngại là Facebook,
YouTube... hiện là môi trường hỗn độn mà ở đó người dùng rất khó phân biệt giữa
cái tốt, cái thật với cái xấu, cái giả dối. Giữa rừng thông tin “ảo nhiều hơn
thật”, liệu có bao nhiêu phần trăm người dùng nói chung và con trẻ nói riêng đã
được trang bị một bộ lọc thông tin hữu hiệu?
Cảnh báo chung của các đại biểu đưa ra là “Chưa bao giờ việc tiếp
cận trẻ em và có thể có động thái x.âm hại trẻ em lại dễ dàng đến vậy”. Theo
nghiên cứu trên thế giới, cứ 100 trang web có 12 trang liên quan đến nội dung
khi.êu d.âm, tỷ lệ lớn trẻ vị thành niên ghé thăm các trang web này rất lớn, dần
dần dẫn đến việc nghiện xem các trang web này. Nguy hại hơn, các chuyên gia còn
đề cập đến một loại rối nhiễu tâm lý gọi là “trầm cảm mạng xã hội, rối loạn tư
duy do web độc, hại”. “Tuổi trung bình ghé thăm các trang web kh.iêu d.âm là 11
tuổi, có em từ 9 tuổi… con trai nhiều hơn con gái”.
Nhằm phòng tránh những trường hợp không
đáng có, bà Nguyễn Thị Nga - Phó Cục trưởng Cục trẻ em cho rằng, thanh thiếu
niên, phụ huynh, giáo viên cùng những đối tượng liên quan cần nhận thức được tầm
quan trọng của quyền riêng tư và bảo mật trong môi trường mạng. “Trong thời đại
4.0, mọi thông tin con trẻ đăng lên mạng đều rất dễ bị kẻ xấu lưu về, lan truyền
rộng rãi, vậy nên cần cài đặt đối tượng cũng như quyền riêng tư thật cẩn thận.
Ngoài ra, trẻ dưới 18 tuổi chưa thể tự chịu trách nhiệm cho hành vi của mình cũng
như không đủ kiến thức về những vấn đề bảo mật và quyền riêng tư này, nên cần sự
trợ giúp của phụ huynh cũng như thầy cô giáo, người lớn có trách nhiệm xung
quanh để giúp đỡ các em”.
Việc dành quá nhiều thời gian để sử dụng
điện thoại và Facebook, Tiktok... sẽ dẫn đến tình trạng mất khả năng xử lý của
mạng lưới thần kinh nhận thức và cảm xúc, khiến tâm trạng bất an, lo lắng gia
tăng. Bệnh nhân thường thiếu kiềm chế, giảm nhận thức, bất mãn với cuộc sống,…
lâu dần sẽ sinh ra bệnh. Vì vậy, có không ít các vụ án x.âm h.ại trẻ nhỏ gây ra
từ đây.
Do vậy, để tận dụng điểm tốt của công
nghệ, khi con trẻ chưa được trang bị bộ lọc cần thiết giữa một môi trường hỗn độn
của thông tin, chúng ta – những bậc làm cha, làm mẹ – phải trở thành chiếc cầu
nối giữa con và thế giới ảo. Cha mẹ là bộ lọc chủ động lựa chọn những thông
tin, ứng dụng bổ ích, phù hợp với lứa tuổi để cung cấp cho con trẻ khi chúng
đang chập chững bước vào đời. Cha mẹ nên hướng dẫn con dùng mạng Internet, điện
thoại, máy tính vào các hoạt động bổ ích như nghiên cứu tài liệu, học tiếng
Anh, học online… Hiện nay, một phương pháp học tập thông minh đang được nhiều
cha mẹ và học sinh lựa chọn là học online. Với cách học này, con hoàn toàn có
thể chủ động thời gian, không gian ôn bài. Ngoài ra, trẻ có thể học nhóm với bạn
bè để tăng sự hứng thú. Hơn nữa, bố mẹ có thể theo dõi tiến độ và kết quả học của
con một cách nhanh chóng.
Bố mẹ hãy trò chuyện với con mình nhiều
hơn. Bố mẹ cũng cần kết bạn với con trên mạng xã hội, dành thời gian online với
con. Ngoài ra, trẻ cần được sắp xếp thời gian cho việc đọc sách, tìm hiểu cuộc
sống xung quanh, chơi các môn thể thao vận động và làm các công việc nhà. Bố mẹ
có thể đăng ký lớp học ngoại khóa mà con thích. Tuổi mới lớn là thời điểm con rất
muốn tham gia các hoạt động cùng bạn bè. Do đó, cha mẹ cần tìm hiểu xem, con thực
sự thích hoạt động nào, để giúp con dành thời gian cho nó, vừa giúp con thư
giãn đồng thời có thể gắn kết mối liên hệ giữa con với bạn bè cùng lớp.
Phó GS.TS Trần Thành Nam, chuyên gia
tâm lý, trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhấn mạnh: “Để ngăn
chặn, cần giải pháp tổng thể, bên cạnh hệ thống pháp luật thì nâng cao năng lực
công nghệ số để kiểm soát, đồng thời nâng cao năng lực từ chính cha mẹ và chính
các em khi tham gia thế giới mạng. Tùy vào độ tuổi và năng lực nhận biết theo độ
tuổi mà cha mẹ có những định hướng để mở rộng dần cho các em tham gia không
gian mạng”. Đặc biệt, bố mẹ phải là tấm gương trong cuộc sống, những gì bố mẹ
làm có tác động rất lớn tới tâm lý con trẻ.
Nhận xét
Đăng nhận xét