Tham nhũng xuất hiện từ khi có giai cấp,
nhà nước và tồn tại ở các chế độ chính trị khác nhau. Bản chất của tham nhũng
luôn gắn liền với quyền lực chính trị, quyền lực kinh tế mà không phụ thuộc vào
bất cứ chế độ chính trị hay đảng phái nào. Ngày nay, tham nhũng là căn bệnh phức
tạp, hoành hành trên nhiều lĩnh vực, gây ra những hậu quả nghiêm trọng ở các quốc
gia với các chế độ xã hội khác nhau. Vì lẽ đó, đấu tranh chống tham nhũng được
nhiều nước quan tâm, thực hiện quyết liệt với các hình thức, biện pháp đa dạng,
linh hoạt. Song, đây cũng là quá trình khó khăn, lâu dài và gian nan, không thể
nôn nóng. Từ thực trạng tham nhũng ở các quốc gia trên thế giới; sự tham gia,
vào cuộc mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, khẳng định rõ Việt Nam đẩy mạnh công
tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực vừa là yêu cầu tất yếu của sự phát
triển đất nước, vừa là cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế trong thực hiện
Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng.
Một quyết tâm chính trị không thể phủ
nhận, xuyên tạc
Công tác đấu tranh PCTN, tiêu cực là một
trong những nội dung cốt lõi, trọng tâm của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng
được Đảng ta lãnh đạo, chỉ đạo kiên quyết, chặt chẽ, thường xuyên, liên tục và
quyết liệt, không ngừng, không nghỉ, bài bản, đi vào chiều sâu với quan điểm
không có vùng cấm, sai phạm đến đâu thì xử lý đến đó, không có ngoại lệ, không
có đặc quyền, bất kể người đó là ai, không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào
và được tiến hành sâu rộng từ Trung ương đến cơ sở. Phương châm PCTN, tiêu cực
mà Đảng ta đề ra là: Phòng ngừa là chính, cơ bản, lâu dài; phát hiện, xử lý là
quan trọng, cấp bách.
Quyết tâm đấu tranh PCTN, tiêu cực được
thể hiện rất rõ trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng: “Kiên quyết, kiên trì đấu
tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí với quyết tâm chính trị cao hơn,
hành động mạnh mẽ hơn và hiệu quả hơn”. Muốn vậy cần “triển khai đồng bộ, có hiệu
quả quy định của pháp luật về PCTN... Khẩn trương xây dựng cơ chế phòng ngừa,
cơ chế răn đe để kiểm soát tham nhũng”. Và yêu cầu phải “nâng cao vai trò, phát
huy tính tích cực, chủ động và phối hợp của Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị-xã
hội, nhân dân, doanh nghiệp, báo chí trong phát hiện, đấu tranh PCTN... Có cơ
chế khuyến khích và bảo vệ người tố cáo hành vi tham nhũng, lãng phí”. Trong 10
năm qua, Việt Nam đã có hơn 250 văn bản về xây dựng Đảng, 300 bộ luật và hơn
2.000 văn bản từ Chính phủ đề cập tới chống tham nhũng.
Ngày 30-6-2022, tại Hà Nội, trong bài
phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về đấu tranh PCTN, tiêu cực:
Nhìn lại 10 năm qua; định ra phương hướng, nhiệm vụ cho thời gian tới đã chỉ
rõ: Trong giai đoạn 2012-2022, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ
luật 2.740 tổ chức đảng, hơn 167.700 cán bộ, đảng viên, trong đó có 7.390 đảng
viên bị kỷ luật do tham nhũng; đã kỷ luật 170 cán bộ thuộc diện Trung ương quản
lý, trong đó có 4 Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị; 29 Ủy viên
Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương... Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến
nay đã thi hành kỷ luật 50 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý (cao hơn gấp 4
lần so với nhiệm kỳ khóa XI và bằng gần một nửa số cán bộ cấp cao bị xử lý của
nhiệm kỳ khóa XII)... Đây là bước đột phá trong công tác kiểm tra, kỷ luật của
Đảng. Riêng Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực đã đưa vào diện theo dõi,
chỉ đạo gần 1.000 vụ án, vụ việc ở 3 cấp độ; trong đó trực tiếp theo dõi, chỉ đạo
313 vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội
quan tâm... Ngày 19-6-2023, tại Hội nghị sơ kết một năm hoạt động của ban chỉ đạo
PCTN, tiêu cực cấp tỉnh, đồng chí Tổng Bí thư tiếp tục chỉ rõ: Đây là một hội
nghị lớn, có ý nghĩa rất quan trọng, thể hiện sự đoàn kết, nhất trí và quyết
tâm cao của chúng ta trong công tác đấu tranh PCTN, tiêu cực từ Trung ương đến
địa phương. Những kết quả bước đầu sau một năm hoạt động của ban chỉ đạo PCTN,
tiêu cực cấp tỉnh cho thấy quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta
trong đấu tranh PCTN, tiêu cực không phải như lời lẽ suy diễn, đầy hằn học, mưu
toan chống phá của các thế lực thù địch.
Sự chống phá ngày càng tinh vi, phức tạp
Bất chấp những thành tựu đạt được trong
công tác PCTN, tiêu cực ở Việt Nam thời gian qua được nhân dân và cộng đồng quốc
tế ghi nhận, với dã tâm thâm độc, nham hiểu, âm mưu chống phá đến cùng, thái độ
hằn học mà các thế lực thù địch, phản động không từ bỏ thủ đoạn nào để xuyên tạc,
suy diễn vô căn cứ, bóp méo sự thật về công tác PCTN, tiêu cực ở Việt Nam.
Chúng đã nhắm mắt làm ngơ trước những điều tốt đẹp mà Ðảng, Nhà nước và nhân
dân ta đạt được. Với luận điệu trơ tráo, lố bịch, các thế lực thù địch cố tình
dùng mọi thủ đoạn để thực hiện mưu đồ xấu xa; xuyên tạc về công tác PCTN, tiêu
cực ở Việt Nam. Lợi dụng công nghệ truyền thông, mạng xã hội và sự thiếu thông
tin, hiểu biết của một bộ phận người dân để lập các trang web, đăng tải tin,
video clip với nội dung xuyên tạc, bôi đen, gán ghép, dựng chuyện và cho rằng
tham nhũng ở Việt Nam đang xảy ra ở khắp mọi nơi, ngõ ngách. Với những nhận định
và kết luận vô căn cứ mang tính xuyên tạc, kích động, gây tâm lý bất ổn trong
nhân dân; sự hoài nghi về các chủ trương, quyết sách của Đảng về PCTN, tiêu cực
nhằm làm xói mòn niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chúng dẫn dắt dư luận, gây
tâm lý hoài nghi, dao động, tạo cớ, kích động và tạo sự đối lập, bất ổn từ bên
trong và xa hơn là phá hoại, xóa bỏ chủ nghĩa xã hội (XHCN) ở Việt Nam.
Nguy hiểm hơn, các thế lực thù địch
tung ra luận điệu, tham nhũng là bản chất của chế độ XHCN, là căn bệnh nan y của
“chế độ độc đảng cầm quyền”; một đảng không thể chống được tham nhũng; do đảng
cầm quyền độc đoán cai trị nên tình trạng tham nhũng tất yếu xảy ra, rồi đi đến
quy chụp tham nhũng là “do chế độ độc đảng cầm quyền”. Chúng suy diễn rằng, còn
Đảng Cộng sản độc quyền lãnh đạo thì còn tham nhũng và ngày càng táo tợn, trầm
trọng hơn. Rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam không thể đấu tranh chống tham nhũng vì
Đảng cũng suy thoái; là sự phân chia quyền lực, là các trận đấu giữa băng này với
nhóm kia trong hệ thống chính trị, trong hệ thống công quyền...
Chúng còn lớn tiếng hô hào, “chỉ tự do
chính trị mới giúp Việt Nam chống được tham nhũng” và công tác PCTN, tiêu cực ở
Việt Nam chỉ là mị dân; càng chống tham nhũng thì tham nhũng càng gia tăng vì
không có dân chủ; căn nguyên của tham nhũng là do Đảng đứng trên pháp luật... Từ
đó, chúng kêu gọi muốn chống tham nhũng thì phải thay đổi chế độ, phải đa
nguyên, đa đảng, phải thực hiện “xã hội dân sự”.
Với âm mưu cực kỳ tinh vi, xảo quyệt
hòng thúc đẩy nhanh các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ
với mưu đồ “phi chính trị hóa” quân đội, các thế lực thù địch, phản động lợi dụng
việc xử lý kỷ luật những cán bộ, đảng viên vi phạm, gây hậu quả nghiêm trọng,
nhất là sau các vụ việc ở Bộ tư lệnh Cảnh sát biển và Học viện Quân y, các phần
tử xấu đã thổi phồng, vơ đũa cả nắm với luận điệu cho rằng, tham nhũng xảy ra ở
toàn quân.
Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành
Trung ương Đảng (khóa XIII) đã thảo luận Đề án thành lập ban chỉ đạo cấp tỉnh về
PCTN, tiêu cực. Đã có nhiều cuộc hội thảo được tổ chức lấy ý kiến đóng góp của
các chuyên gia, cán bộ có kinh nghiệm thực tiễn về PCTN, tiêu cực. Đề án cũng
được triển khai lấy ý kiến các ban, bộ, ngành, địa phương và các thành viên Ban
chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực. “Đề án đã trình bày đầy đủ, đúng đắn, có
cơ sở lý luận và thực tiễn về sự cần thiết, căn cứ và nguyên tắc thành lập ban
chỉ đạo cấp tỉnh”(1). Sau một năm đi vào hoạt động đã khẳng định chủ trương
đúng và tầm nhìn chiến lược của Ðảng trong lãnh đạo công tác PCTN, tiêu cực. Vậy
mà, các thế lực thù địch, phản động đã lợi dụng vấn đề này để xuyên tạc chủ
trương thành lập ban chỉ đạo cấp tỉnh về PCTN, tiêu cực là giả tạo và không cần
thiết, chỉ tốn tiền của dân. Rằng, thành lập ban chỉ đạo cấp tỉnh về PCTN, tiêu
cực cho thấy sự kém hiệu quả của công tác chống tham nhũng. Những luận điệu
xuyên tạc, suy diễn vô căn cứ, sự bịa đặt thiển cận và gán ghép, quy chụp trên
nhằm chống phá Đảng, Nhà nước và thành quả cách mạng của nhân dân ta; phủ định
sạch trơn những thành tựu to lớn của đất nước; hạ thấp vai trò lãnh đạo và quyết
tâm PCTN, tiêu cực của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.
Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp
Đấu tranh, phản bác các luận điệu suy
diễn, xuyên tạc công tác PCTN, tiêu cực ở Việt Nam phải được tiến hành thường
xuyên, liên tục với hệ thống các giải pháp đồng bộ, hiệu quả, thiết thực. Trong
đó, tập trung vào một số giải pháp là: Tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức
cho cán bộ, đảng viên, nhân dân về quan điểm, chủ trương của Đảng trong PCTN,
tiêu cực và âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động. Tiếp
tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật về PCTN, tiêu cực và tổ chức
triển khai có hiệu quả trên thực tế, không tạo khoảng trống để các thế lực thù
địch, phản động lợi dụng chống phá. Phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp,
các ngành, các lực lượng và toàn thể nhân dân trong PCTN, tiêu cực và đấu
tranh, phản bác những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động
hiện nay. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, tiêu cực và đấu
tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới. Thực hiện đa dạng,
linh hoạt về nội dung, hình thức, phương pháp đấu tranh PCTN, tiêu cực và phản
bác những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động./.
Nhận xét
Đăng nhận xét