Trẻ em là đối tượng cần yêu thương, bảo
vệ và chăm sóc đặc biệt trong bối cảnh thế giới đầy rủi ro đến từ thiên nhiên,
hay xung đột vũ trang thậm chí là nguy hiểm từ không gian mạng…
Theo UNICEF, trong giai đoạn 2016-2021,
các cơn bão quét qua quốc đảo Dominica thuộc vùng Caribe đã khiến 76% số trẻ em
phải di dời.
Trẻ em là đối tượng cần được ưu tiên bảo
vệ trong bối cảnh thế giới mới đầy rẫy những thảm họa. Song, số trẻ em buộc phải
chuyển chỗ ở do những thảm họa liên quan đến thời tiết hiện không phải là ít.
Theo báo cáo phân tích “Trẻ em phải
chuyển chỗ ở trong bối cảnh khí hậu thay đổi” mà UNICEF công bố ngày 6/10,
trong khoảng thời gian chỉ sáu năm, kể từ năm 2016, có hơn 43 triệu trẻ em tại
44 quốc gia phải sơ tán, tương đương với khoảng 20.000 trẻ em phải chuyển chỗ ở
mỗi ngày do các thảm họa thiên nhiên gây ra. Trong đó, Nam Sudan và Somalia có
tỷ lệ trẻ phải di dời do lũ lụt cao nhất, với tỷ lệ lần lượt là 11% và 12%.
Trong khi đó, hạn hán ở Somalia, Ethiopia và Afghanistan đã khiến hơn 1,3 triệu
trẻ phải rời bỏ nhà cửa.
UNICEF ước tính, riêng tại Đông Á và
Thái Bình Dương có khoảng 19 triệu trẻ em phải chuyển chỗ ở, chiếm hơn 44% tổng
số trẻ em chịu chung hoàn cảnh này trên toàn cầu. Nguyên nhân hàng đầu là do lũ
lụt (12 triệu em) và bão (hơn 6 triệu em).
Tăng cường các hoạt động ứng phó
Cũng trong giai đoạn 2016-2021, khoảng
930.000 trẻ em ở Việt Nam phải sơ tán do lũ lụt, bão và hạn hán.
Việt Nam cùng với các quốc gia khác như
Trung Quốc, Philippines và Indonesia nằm trong top 10 quốc gia ghi nhận số lượng
trẻ em phải chuyển khỏi chỗ ở nhiều nhất do phải đối mặt với các tình trạng thời
tiết khắc nghiệt.
Đại diện UNICEF tại Việt Nam, bà Rana
Flowers, cho biết: “Hậu quả xảy ra ở Việt Nam đã khẳng định, trẻ em chịu nhiều ảnh
hưởng của khủng hoảng khí hậu, không chỉ về mặt sức khỏe mà còn về các mặt phát
triển khác”.
Báo cáo của UNICEF dự báo, trong 30 năm
tới, lũ lụt ven sông có thể khiến gần 96 triệu trẻ em trên toàn cầu phải chuyển
khỏi chỗ ở. Gió bão và mực nước dâng do bão có khả năng sẽ khiến lần lượt 10,3
triệu và 7,2 triệu trẻ em phải chuyển khỏi nơi ở cũng trong khoảng thời gian
đó.
Giám đốc điều hành UNICEF Catherine
Russell cho biết: “Thật đáng sợ đối với bất kỳ trẻ em nào khi phải chứng kiến
hay trải qua cảnh cháy rừng, bão hoặc lũ lụt dữ dội ập tới nơi các em sinh sống.
Đối với những em buộc phải rời đi, nỗi sợ hãi và những tác động gây ra có thể đặc
biệt nghiêm trọng cùng với nỗi lo lắng về việc liệu các em có thể trở về nhà,
tiếp tục đi học. Sinh mạng có thể được cứu sống nhờ việc sơ tán nhưng đồng thời
gây ra nhiều xáo trộn trong cuộc sống của các em”.
Khi tác động của biến đổi khí hậu gia
tăng thì các phong trào về khí hậu cũng nhiều hơn. “Chúng ta có các công cụ và kiến
thức để ứng phó với những thách thức ngày càng lớn đối với trẻ em, tuy nhiên
chúng ta đang hành động quá chậm”, bà Russell nhấn mạnh.
Giám đốc điều hành UNICEF cho rằng, cần
tăng cường các hoạt động hỗ trợ cộng đồng trong việc chuẩn bị, bảo vệ những trẻ
em có nguy cơ phải chuyển chỗ ở và hỗ trợ những em đã phải rời bỏ nơi ở của
mình.
Việc ổn định nơi ở và cuộc sống cần
song hành với bảo vệ các em khỏi những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu cũng như
xung đột vũ trang đang diễn ra nhiều nơi trên thế giới.
Nhân Ngày quốc tế Trẻ em gái 11/10, Diễn
đàn châu Phi về những trẻ em bị ảnh hưởng do xung đột vũ trang (APCAAC) kêu gọi
các nước cần đưa ra các cam kết mới nhằm bảo vệ quyền và phúc lợi của trẻ em
nói chung và trẻ em gái nói riêng.
Theo APCAAC, trong các tình huống xung
đột, trẻ em gái là đối tượng phải cam chịu trước những hành vi xâm phạm mang
tính hệ thống đối với quyền lợi của các em, gây ra những ảnh hưởng đến cả thể
chất, tinh thần và cảm xúc.
Tuyên bố nhấn mạnh, việc bảo vệ tương lai và hiện thực hóa giấc mơ
của trẻ em gái cũng là tinh thần của chủ đề: “Đầu tư vào các quyền của trẻ em
gái: Lãnh đạo của chúng ta, cuộc sống của chúng ta” mà Ngày quốc tế Trẻ em gái
năm nay hướng tới.
Không chỉ bảo vệ trẻ em từ những mối đe
dọa của thiên nhiên, bảo vệ trẻ em khỏi những nguy hiểm trên không gian mạng
cũng được chú trọng.
“Đạo luật ngăn chặn việc khai thác nguồn
cấp dữ liệu gây nghiện cho trẻ em”do các nhà lập pháp bang New York đưa ra sẽ
giúp hạn chế những gì được cho là các tính năng có hại và gây nghiện của mạng
xã hội đối với các em. Dự luật này cho phép người dùng dưới 18 tuổi và cha mẹ của
họ từ chối nhận nguồn cấp dữ liệu được điều khiển bởi các thuật toán nhằm khai
thác dữ liệu cá nhân của người dùng.
Dự luật cũng sẽ cho phép người dùng và
phụ huynh chặn quyền truy cập vào các nền tảng truyền thông xã hội trong khoảng
thời gian từ 12 giờ đêm đến 6 giờ sáng hoặc giới hạn tổng số giờ mà trẻ vị
thành niên có thể vào mạng mỗi ngày.
Các dự luật này đều nhắm vào các nền tảng
mạng xã hội như Facebook, Instagram, TikTok, Twitter và YouTube, nơi nguồn cấp
dữ liệu bao gồm nội dung do người dùng tạo ra, cùng với các tài liệu khác mà nền
tảng này gợi ý cho người dùng dựa trên dữ liệu cá nhân của họ. Tổng chưởng lý
New York Letitia James nói: “Đây là một vấn đề lớn mà tất cả chúng tôi đều cảm
nhận rõ ràng và cần phải giải quyết. Trên toàn nước Mỹ, trẻ em và thanh thiếu
niên đang phải đối mặt với tỷ lệ trầm cảm, lo lắng, ý nghĩ tự tử và các vấn đề
sức khỏe tâm thần khác cao đáng kể, phần lớn là do mạng xã hội gây ra”. Các
bang khác bao gồm Arkansas, Louisiana và Utah đã thông qua các dự luật yêu cầu
các nền tảng mạng xã hội phải có sự đồng ý của phụ huynh trước khi tạo tài khoản
cho thanh thiếu niên.
Trong bối cảnh thế giới hiện nay đầy những
biến động phức tạp khó lường, thì trẻ em trên toàn thế giới luôn cần được yêu
thương, chăm sóc và bảo vệ.
Nhận xét
Đăng nhận xét