Như nhiều nước trên thế giới, bên cạnh
ngày Quốc tế phụ nữ, Việt Nam cũng dành riêng một ngày để tôn vinh vẻ đẹp của
người phụ nữ đất nước mình, không chỉ là vẻ đẹp bên ngoài mà quan trọng là những
phẩm chất tốt đẹp, đáng quý. Trải qua các giai đoạn lịch sử của dân tộc, vai
trò của người phụ nữ luôn được khẳng định, chính vì vậy mà ngày 20/10 có ý
nghĩa rất lớn.
Lịch sử Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10
Việt Nam là nền văn minh nông nghiệp, dựa
trên nền tảng nghề trồng lúa nước và thủ công nghiệp nên phụ nữ trở thành lực
lượng lao động chính.
Bên cạnh đó, lịch sử Việt Nam còn là những
năm dài kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Gần đây nhất, các cuộc kháng chiến chống
thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đều có đóng góp to lớn của phụ nữ. Họ là những chiến
sĩ chống ngoại xâm kiên cường dũng cảm, là hậu phương vững chắc, người lao động
cần cù, sáng tạo, thông minh, và là người giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong
việc giữ gìn, phát triển bản sắc, tinh hoa văn hoá dân tộc. Ngoài ra, họ còn là
những người mẹ dịu hiền, đảm đang, trung hậu đã sản sinh ra những thế hệ anh
hùng của dân tộc anh hùng.
Từ năm 1927, các tổ chức quần chúng bắt
đầu hình thành và thu hút đông đảo tầng lớp phụ nữ như: Công Hội Đỏ, Nông Hội Đỏ,
các nhóm tương tế, tổ học nghề và các tổ chức riêng của nữ giới.
Năm 1927, nhóm các bà Nguyễn Thị Lưu,
Nguyễn Thị Minh Lãng, Nguyễn Thị Thủy là ba chị em ở làng Phật Tích (Bắc Ninh)
tham gia Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội, họ tuyên truyền, xây dựng tổ học
nghề đăng ten và học chữ. Nhóm bà Thái Thị Bôi có Lê Trung Lương, Nguyễn Thị Hồng,
Huỳnh Thuyên tham gia sinh hoạt ở trường nữ học Đồng Khánh.
Năm 1928, nhóm Nguyễn Thị Minh Khai cùng
Nguyễn Thị Phúc, Nguyễn Thị An tham gia sinh hoạt hội đỏ của Tân Việt. Nhóm này
liên hệ với các bà Xân, Thiu, Nhuận, Liên thành lập tờ Phụ nữ Giải phóng ở
Vinh.
Năm 1930, trong phong trào Xô Viết Nghệ
Tĩnh, ở Nghệ An, Hà Tĩnh có 12.946 chị em tham gia phụ nữ giải phóng, cùng nhân
dân đấu tranh thành lập chính quyền Xô Viết ở trên 300 xã.
Ngày 1/5/1930, bà Nguyễn Thị Thập tham
gia lãnh đạo cuộc đấu tranh của hơn 4.000 nông dân ở hai huyện Châu Thành, Mỹ
Tho, trong đó có hàng ngàn phụ nữ tham gia.
Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Đông Dương
thành lập. Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng ngay từ khi ra đời đã chỉ rõ
“Nam nữ bình quyền”. Đảng sớm ghi nhận vai trò to lớn của phụ nữ trong cuộc sống
cũng như trong cuộc kháng chiến lâu dài của dân tộc. Phụ nữ phải tham gia các
đoàn thể cách mạng (công hội, nông hội) và thành lập tổ chức riêng để lôi cuốn
các tầng lớp phụ nữ tham gia cách mạng.
Chính vì vậy, ngày 20/10/1930, Hội Phụ
nữ Phản đế Việt Nam (nay là Hội Phụ nữ Việt Nam) được thành lập. Sự kiện lịch sử
này thể hiện sâu sắc quan điểm của Đảng đối với vai trò của phụ nữ trong cách mạng,
đối với tổ chức phụ nữ và sự nghiệp giải phóng phụ nữ.
Đó là lý do ngày 20/10 hàng năm trở
thành ngày kỷ niệm và tôn vinh phụ nữ Việt Nam.
Ý nghĩa của Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10
Ngày 20/10/1930 là ngày đầu tiên trong
lịch sử cách mạng nước ta, một đoàn thể quần chúng của phụ nữ chính thức thành
lập và hoạt động công khai, nhằm đoàn kết, động viên lực lượng phụ nữ đóng góp
tích cực vào sự nghiệp cách mạng của đất nước.
Với đoàn thể của riêng mình, phụ nữ Việt
Nam góp phần quan trọng đưa Cách mạng tháng Tám thành công, giành độc lập cho đất
nước, lập chính quyền cách mạng của nhân dân. Nhờ đó, người phụ nữ Việt Nam
cũng lần đầu tiên được cầm lá phiếu bầu cử, tham gia các công tác chính quyền
và xã hội, nắm giữ nhiều trọng trách trong bộ máy Nhà nước và các đoàn thể quần
chúng.
Ngày 20/10 hàng năm được chọn làm Ngày
Phụ Nữ Việt Nam, đó là sự ghi nhận của đất nước với những con người được Bác Hồ
tặng 8 chữ vàng: “Anh hùng, Bất khuất, Trung hậu, Đảm đang”.
Trải qua các giai đoạn lịch sử khó khăn
của dân tộc, vai trò của người phụ nữ ngày càng được khẳng định. Ngày Phụ nữ Việt
Nam 20/10 là dịp để tôn vinh những người phụ nữ, không chỉ ở vẻ đẹp duyên dáng
bên ngoài mà còn là vẻ đẹp của đức tính cần cù, chịu thương, chịu khó, hy sinh.
Ngày 20/10 cũng là dịp để khẳng định vai trò, vị trí và công lao của người phụ
nữ trong xã hội, thể hiện sự ghi nhận, quan tâm của xã hội, tạo nguồn sức mạnh
để họ phấn đấu, nỗ lực trong cuộc sống, phát huy hết tài năng và vai trò của
mình.
Nhận xét
Đăng nhận xét