Giá trị lớn nhất mà triển lãm về Hoàng Sa, Trường Sa mang lại đó là dần khắc sâu ý thức về chủ quyền đối với mỗi người dân Việt Nam, qua đó góp phần nâng cao tinh thần đoàn kết, trách nhiệm của toàn dân trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Những năm qua, hoạt
động triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu về chủ đề "Hoàng Sa, Trường Sa
của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý" được tổ chức rộng khắp
các tỉnh, thành, trong đó có tỉnh Quảng Nam.
Trải nghiệm quý giá
Lần đầu tôi được
tham dự triển lãm là vào tháng 8-2014 tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Quảng Nam, do
Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức. Với những
người làm công tác văn hóa và thông tin cơ sở ở miền núi (huyện Tiên Phước) như
chúng tôi, hình ảnh về biển đảo của Tổ quốc, thông tin, bằng chứng lịch sử,
pháp lý về chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa có sức
cuốn hút lạ kỳ. Tôi đã ở lại suốt một ngày để xem triển lãm và tìm hiểu tư liệu.
Triển lãm thu hút
hơn 10.000 khách tham quan, đông nhất là đoàn viên thanh niên. Cũng có nhiều
đoàn học sinh các trường phổ thông, cao đẳng, đại học cùng đến xem triển lãm.
Những cô cậu học trò chú ý lắng nghe từng lời của thuyết minh viên; xem từng tấm
bản đồ, tư liệu, hiện vật; đọc kỹ những dòng chú thích, mở giấy bút ra ghi chép
và chụp ảnh ghi nhớ. Cũng như tôi, các em đang được học bài học lịch sử, địa lý
xác thực, cụ thể và giá trị pháp lý cao về quá trình khai phá, xác lập, quản lý
và thực thi chủ quyền hợp pháp của Việt Nam trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường
Sa.
Triển lãm đã giúp
người xem hiểu sâu sắc các tài liệu chính sử của nhà nước Việt Nam. Bộ bản đồ
và tư liệu khẳng định nhà nước Việt Nam là chủ thể duy nhất đã khai phá, xác lập
và thực thi chủ quyền trên 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Bản đồ, tư liệu,
hình ảnh được sắp xếp thành các nhóm chính: Hoàng Sa, Trường Sa trong thư tịch
cổ và bản đồ cổ Việt Nam; bản đồ Trung Quốc do phương Tây và Trung Quốc xuất bản
(thế kỷ XVI- XX) xác nhận 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa không thuộc Trung Quốc;
bản đồ xuất bản tại phương Tây (thế kỷ XVI-XIX); tư liệu về Hoàng Sa, Trường Sa
trong thời kỳ Pháp thuộc và cho đến trước năm 1975. Bên cạnh đó là một số tư liệu
hình ảnh về biển, đảo và công tác đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt
Nam.
Triển lãm còn giới
thiệu các nguồn sử liệu phong phú như: "Toàn tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ
thư" do Đỗ Bá soạn năm 1686; "Phủ biên tạp lục" do Lê Quý Đôn
biên soạn năm 1776; "Hoàng Việt địa dư chí" (1833); "Đại Nam thực
lục chính biên" (1844-1848)… Đặc biệt, nội dung về hoạt động quản lý và thực
thi chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được phản
ánh đậm nét trong các châu bản triều Nguyễn. Đây là các văn bản hành chính
chính thức của triều đình nhà Nguyễn, có dấu phê duyệt của hoàng đế và ấn tín của
nhà nước nên có tính pháp lý rất cao...
Hình ảnh, bản đồ,
hiện vật tư liệu đã gợi lên trong tâm hồn người xem những cảm xúc dạt dào! Từ
những phương tiện đi biển thời xa xưa, ông cha ta đã vượt sóng gió đến 2 quần đảo
này để khai thác hải sản, đặt cột mốc chủ quyền và thực thi chủ quyền. Trên biển
đảo của Tổ quốc, biết bao anh hùng, chiến sĩ đã ngã xuống để bảo vệ chân lý, khẳng
địch chủ quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm.
Với nhiều học sinh, Đoàn viên thanh niên, việc xem triển lãm ý
nghĩa này là một trải nghiệm quý giá - những kiến thức, bài học về địa lý, lịch
sử, công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền của dân tộc được lĩnh hội dễ dàng.
Vun đắp tình yêu biển
đảo
Sau cuộc triển lãm
cấp tỉnh đầu tiên đó, tại tỉnh Quảng Nam, từ năm 2015 đến nay, Sở Thông tin và
Truyền thông phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức thành công triển lãm
lưu động về Hoàng Sa, Trường Sa tại 14 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.
Cũng từ đó đến nay, tôi tham gia tổ chức triển lãm ở địa phương và rất tự hào bởi
triển lãm nào cũng thu hút rất đông người đến xem.
Chị Tưởng Thị Ngọ, Trưởng Phòng Thông tin - Báo chí - Xuất bản của
Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Nam, trực tiếp tham gia tổ chức 18 cuộc
triển lãm trưng bày lưu động trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, trong những lần tập
huấn, hướng dẫn cho các huyện, luôn động viên, nhắn gửi đến cán bộ cơ sở:
"Phát huy giá trị bộ bản đồ, tư liệu và hiện vật trong công tác thông tin
tuyên truyền là rất cần thiết. Trong bối cảnh công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ
quyền biển đảo của Tổ quốc luôn phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt
là trên mặt trận thông tin - truyền thông nên công tác thông tin, tuyên truyền
cần làm thường xuyên, liên tục và sâu sát đến từng địa phương".
Cuối tháng 10-2023,
một cuộc triển lãm tương tự được tổ chức tại huyện Núi Thành. Trải qua thời gian
khá dài và nhiều lần vận chuyển đến các huyện, xã miền biển, miền núi để triển
lãm lưu động nhưng những hình ảnh, hiện vật, tư liệu về Hoàng Sa, Trường Sa vẫn
được bảo quản như những báu vật.
Có thể khẳng định
giá trị lớn nhất mà triển lãm "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng
chứng lịch sử và pháp lý" mang lại đó là dần khắc sâu ý thức về chủ quyền
quốc gia trên biển đối với mỗi người dân Việt Nam; qua đó góp phần nâng cao
tinh thần đoàn kết, trách nhiệm của toàn dân trong công cuộc bảo vệ chủ quyền
biển đảo của Tổ quốc.
Với giới trẻ, học
sinh, đây là hình thức tuyên truyền có ý nghĩa rất thiết thực, góp phần vun đắp
tình yêu biển đảo, lý tưởng sống, thái độ, trách nhiệm trong công cuộc xây dựng
và bảo vệ Tổ quốc.
Đó cũng là cơ sở để
các cuộc triển lãm "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch
sử và pháp lý" đã và ngày càng nhân rộng, đến với trường học trên cả nước./.
Nhận xét
Đăng nhận xét