Theo Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể
thao và Du lịch), hằng năm tại nước ta diễn ra 7.966 lễ hội, trong đó có 7.039
lễ hội dân gian, 332 lễ hội lịch sử-cách mạng, 544 lễ hội tôn giáo, 10 lễ hội
du nhập từ nước ngoài, 41 lễ hội văn hóa, thể thao, du lịch.
Đời sống văn hóa, tinh thần của người
dânViệt Nam rất phong phú với nhiều nghìn lễ hội diễn ra ở quy mô toàn quốc hoặc
tỉnh, huyện, làng, xã.
Lễ hội dân gian (hay còn gọi là lễ hội
truyền thống) được tổ chức nhằm tôn vinh những người có công với đất nước, làng
xã, cộng đồng, thờ cúng các vị thần, thánh. Tiêu biểu là Lễ hội Đền Hùng, Hội Đền
Trần Nam Định, Hội Gióng, Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ…
Lễ hội lịch sử – cách mạng gắn với lịch
sử đấu tranh dựng nước và giữ nước nhằm ghi nhận những sự kiện quan trọng của đất
nước để tôn vinh những danh nhân, những vị anh hùng dân tộc. Đó là các sự kiện
như Lễ hội Làng Sen (Nghệ An), Lễ hội Kỷ
niệm ngày Cách mạng Tháng Tám và Quốc Khánh 2/9, Lễ hội thả hoa trên sông Thạch
Hãn (Quảng Trị)…
Trong số các lễ hội mới du nhập từ bên
ngoài vào nước ta có “Ngày tình yêu” (Valentins”s Day), Lễ hội hóa trang
(Haloween)…
Lễ hội văn hóa, thể thao và du lịch được
tổ chức để quảng bá văn hóa, thể thao, du lịch như Lễ hội Quà tặng Du lịch Hà Nội,
Tuần lễ Âm nhạc quốc tế Huế 2023…
Tính linh thiêng gắn với tính cộng đồng
Hầu hết các lễ hội ở nước ta ít hay
nhiều đều gắn với yếu tố tâm linh, tín ngưỡng, còn con số 544 là chỉ bao gồm những
lễ hội tôn giáo đặc thù, thuần nhất.
Lễ hội tôn giáo là hình thức lễ hội được
tổ chức với nghi thức, lễ tiết chặt chẽ theo quy định của các tôn giáo. Lễ hội
này do các chức sắc, tổ chức tôn giáo đứng ra huy động các tín đồ tham gia nhằm
đáp ứng nhu cầu tinh thần và đời sống tâm linh của tín đồ. Nội dung của lễ hội
tôn giáo liên quan đến sự tích về các nhân vật do tôn giáo đó thờ phụng.
Mỗi tôn giáo có đức tin và hệ thống
giáo lý, giáo luật, nghi thức tôn giáo riêng, là đặc trưng để phân biệt tôn
giáo này với tôn giáo khác. Tuy nhiên, tại Việt Nam các tín ngưỡng, tôn giáo mặc
dù có nguồn gốc, phương châm hành đạo khác nhau nhưng không có sự xung đột gay
gắt. Trái lại, các tôn giáo có sự giao thoa lẫn nhau và gắn kết cùng cộng đồng
dân cư xung quanh với những niềm tin tôn giáo khác nhau. Đây là nét đặc thù
trong tín ngưỡng tại Việt Nam
Việc tổ chức và tham gia lễ hội tôn
giáo vốn là công việc nội bộ giáo hội và của các tín đồ. Tuy nhiên, hiện nay rất
nhiều lễ hội tôn giáo đã vượt ra khỏi nơi thờ tự, tỏa rộng ra ngoài xã hội nhờ
bản tính dung hòa, không kỳ thị, bài trừ của người Việt và chính sách tự do tôn
giáo của Đảng, Nhà nước Việt Nam.
Những ngày lễ trọng của các tôn giáo
được tổ chức với quy mô ngày một lớn, thu hút nhiều tín đồ và người dân tham dự
với lời chúc mừng trân trọng của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam cùng sự bảo đảm trật tự, an toàn xã hội từ phía chính quyền.
Có thể nói rằng các lễ hội tôn giáo ở
Việt Nam bên cạnh việc sở hữu tính linh thiêng như ở mọi nơi khác thì còn có
tính cộng đồng mạnh mẽ rất riêng. Bên cạnh đó, người Việt có sự đa dạng về niềm
tin tôn giáo. Một tín đồ Công giáo, Tin Lành, Hồi giáo có thể tham gia những
sinh hoạt tâm linh dân gian truyền thống khác tại đền, chùa, miếu mạo.
Lễ Phật Đản là ngày lễ lớn được tổ chức
hằng năm vào ngày rằm tháng tư để kỷ niệm ngày Đức Phật ra đời. Vào ngày này,
Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại các địa phương trên cả nước tổ chức
lễ đón mừng Phật đản trong không khí trang nghiêm và an lành với sự tham gia
không chỉ của các phật tử mà từ phía đông đảo người dân.
Lễ Giáng sinh (từ tối 24 đến hết ngày
25/12) không có nguồn gốc từ Việt Nam. Đó vốn là dịp kỷ niệm ngày chúa Giêsu ra
đời, là ngày lễ của những người theo Kitô giáo như Công giáo, Tin Lành ở phương
Tây. Trong những năm gần đây, Giáng sinh đã trở lên rất phổ biến Việt Nam, được
coi là ngày lễ chung, bao gồm cả những người không theo đạo Thiên Chúa.
Lễ hội hành hương La Vang (tỉnh Quảng
Trị) có xuất xứ rất đặc biệt. Nhà thờ La Vang tôn kính Mẹ Maria vốn được xây
trên nền của một miếu Bà dành cho người đi rừng. Ngày nay, La Vang không chỉ là
nơi hành hương linh thiêng mà còn là điểm thu hút rất đông du khách khắp cả nước,
dù họ theo tôn giáo nào hay không theo bất cứ tôn giáo nào.
Từ ngày 4/4/2022, theo Quyết định số
776/QĐ-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Lễ hội Katê của đồng bào
Chăm theo đạo Bàlamôn tại tỉnh Bình Thuận được đưa vào danh mục Di sản Văn hóa
Phi vật thể Quốc gia. Điều này ghi nhận rằng từ lâu lễ hội này không chỉ đáp ứng
nhu cầu tâm linh của đồng bào Chăm mà còn là sân chơi chung của người dân địa
phương và du khách.
Còn tại tỉnh Tây Ninh, Đại lễ Vía Đức
Chí Tôn là một sự kiện hết sức quan trọng, là món ăn tinh thần không thể thiếu
trong đời sống không chỉ của tín đồ đạo Cao Đài mà là của tất cả người dân bản
địa…
Bên cạnh các lễ hội thì các sinh hoạt
tôn giáo lớn cũng được chính quyền hết sức tạo điều kiện để tổ chức một cách an
toàn. Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã 3 lần đăng cai Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc
VESAK với trên 1.000 đại biểu từ 120 quốc gia, vùng lãnh thổ và hàng vạn người
dân tham dự. Lễ kỷ niệm 100 năm đạo Tin Lành đến Việt Nam được tổ chức rất long
trọng tại Đà Nẵng…
Sự đa dạng các hoạt động tôn giáo,
trong đó có các lễ hội, là một minh chứng rõ ràng rằng quyền tự do tín ngưỡng,
tôn giáo ở Việt Nam đang được bảo đảm theo Điều 24 của Hiến pháp nước Cộng hòa
xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013: Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn
giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp
luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
Theo khảo sát của Viện Diễn đàn Pew (Mỹ),
Việt Nam thuộc nhóm 12 quốc gia trên thế giới và 6 quốc gia ở khu vực Châu Á
Thái Bình Dương có mức độ đa dạng tôn giáo rất cao.
Ban Tôn giáo Chính phủ cho biết, nước
ta có 26,5 triệu tín đồ tôn giáo (chiếm 27% dân số). Phật giáo có hơn 14 triệu
tín đồ và 18.544 cơ sở thờ tự, Công giáo có hơn 7 triệu tín đồ và 7.771 cơ sở
thờ tự. Xếp thứ ba và thứ tư về số lượng tín đồ là đạo Tin Lành và đạo Cao Đài.
Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp
luật. Nhà nước không phân biệt đối xử vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo. Người dân
hoàn toàn được tự do lựa chọn tôn giáo, tín ngưỡng hoặc không tín ngưỡng.
Trong gần 20 năm (2003-2022) số lượng
chức sắc, chức việc, cơ sở thờ tự của các tôn giáo gia tăng đáng kể. Năm 2003,
Nhà nước ta công nhận 6 tôn giáo với 15 tổ chức, 17 triệu tín đồ, khoảng 20
nghìn cơ sở thờ tự; 34 nghìn chức sắc, 78 nghìn chức việc. Đến năm 2022, Nhà nước
ta công nhận 16 tôn giáo với 43 tổ chức, 26,5
triệu tín đồ, hơn 53 nghìn chức sắc, khoảng 135 nghìn chức việc; hơn 29
nghìn cơ sở thờ tự.
Điều đáng lưu ý là trong số 16 tôn
giáo được Nhà nước chính thức công nhận thì có 9 tôn giáo từ nước ngoài du nhập
vào Việt Nam trong các giai đoạn lịch sử khác nhau (Phật giáo, Công giáo, Tin
Lành, Bà La Môn giáo…).
Nhà nước bảo đảm và tạo điều kiện cho
các tổ chức tôn giáo được thành lập cơ sở đào tạo tôn giáo, mở lớp bồi dưỡng về
tôn giáo. Cả nước hiện có 62 cơ sở đào tạo tôn giáo tại 36 tỉnh, thành phố.
Những con số nói trên hoàn toàn trái ngược với luận điểm mang nặng định kiến và thiếu thiện chí rằng Nhà nước Việt Nam “hạn chế tôn giáo”.
Nhận xét
Đăng nhận xét