Ngay từ khi mới ra đời, Ðảng Cộng sản
Việt Nam đã xác định: Ðộc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội (CNXH) là mục tiêu,
lý tưởng của Ðảng và nhân dân Việt Nam; đi lên CNXH là yêu cầu khách quan, là
con đường tất yếu của cách mạng Việt Nam. Ðể thực hiện âm mưu chống phá, các đối
tượng thù địch không ngừng chĩa mũi nhọn vào phê phán, công kích, xuyên tạc sự
lựa chọn này nhằm mục đích làm chệch hướng con đường đi lên CNXH ở Việt Nam. Thực
tế này đòi hỏi toàn Ðảng, toàn dân thường xuyên nêu cao tinh thần cảnh giác,
luôn tỉnh táo, nhận diện và kiên quyết đấu tranh phản bác những quan điểm sai
trái, thù địch.
Nhằm chống phá con đường đi lên CNXH của
Việt Nam, các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị không ngừng rêu rao:
"Việt Nam lựa chọn con đường đi lên CNXH là một sai lầm của lịch sử"
vì "CNXH không phải là chế độ ưu việt", "CNXH là ảo tưởng, là tốt
đẹp trên lý thuyết chứ không phải trên hiện thực", CNXH đã "cáo
chung", đã "thoái trào từ lâu" và "Việt Nam kiên định đi
lên CNXH là đi theo vết xe đổ của Liên Xô và Ðông Âu"... Ðây là những luận
điệu không mới được các thế lực thù địch thường xuyên sử dụng ngay từ khi CNXH
hiện thực ở Liên Xô và Ðông Âu sụp đổ, và hiện nay vẫn tiếp tục sử dụng; kích động,
gây áp lực chính trị để kêu gọi Ðảng ta từ bỏ con đường đi lên CNXH.
Thực tiễn chứng minh CNXH không phải
là sự ảo tưởng, tốt đẹp trên lý thuyết mà đó là một chế độ xã hội có bản chất
ưu việt, được ra đời theo quy luật vận động tất yếu của lịch sử, phù hợp với xu
thế phát triển của lịch sử nhân loại. Bản chất ưu việt và tốt đẹp của CNXH đã
được hiện thực hóa với sự ra đời CNXH hiện thực ở Liên Xô và Ðông Âu (năm
1917). Lần đầu tiên trong lịch sử (kể từ khi xã hội có giai cấp), nhân dân lao
động đã được làm chủ thực sự, có quyền bỏ phiếu, có những quyền cơ bản của con
người như tự do, bình đẳng... trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Những
thành tựu to lớn mà CNXH hiện thực ở Liên Xô và một số nước xã hội chủ nghĩa
(XHCN) đạt được trong giai đoạn 1917-1991 là không thể phủ nhận, cả về kinh tế,
chính trị, văn hóa, xã hội, khoa học, kỹ thuật, quốc phòng, đối ngoại. Chỉ
trong một thời gian ngắn, những thành tựu đạt được đã đưa Liên Xô trở thành cường
quốc, tạo thành đối trọng và tương quan lực lượng với chủ nghĩa tư bản (CNTB).
Ðiều này chứng tỏ, CNXH không phải là một xã hội trong mơ hay trên lý thuyết mà
đã được hiện thực hóa và chứng minh trên thực tiễn.
Sự sụp đổ của Liên Xô và Ðông Âu trước
đây chỉ là sự sụp đổ của một mô hình CNXH cụ thể do nhiều nguyên nhân khác
nhau, chứ không thuộc về bản chất của chế độ XHCN, không phải do sai lầm trong
lý luận về CNXH của chủ nghĩa Mác-Lênin. Ðây cũng không phải là sự "cáo
chung" của CNXH mà chỉ là "bước thụt lùi tạm thời", là bài học
kinh nghiệm quý giá trong việc nhận thức và vận dụng đúng đắn lý luận của chủ
nghĩa Mác-Lênin về CNXH, cũng như trong việc xây dựng mô hình CNXH cụ thể, phù
hợp với đặc điểm của từng quốc gia, dân tộc.
Ngày nay, tuy CNXH hiện thực không còn tồn tại với tư cách là hệ
thống trên thế giới, nhưng sức sống và giá trị thời đại của nó tiếp tục được khẳng
định trong sự nghiệp đổi mới, cải cách, cải tổ ở các nước XHCN hiện nay như Việt
Nam, Trung Quốc, Lào, Cuba... Hiện với khoảng 1,5 tỷ người trên thế giới đang
đi theo con đường XHCN, tuy còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng sự phát triển,
cùng những thành tựu và vị thế của các nước XHCN có được đã chứng minh CNXH là
một chế độ xã hội ưu việt nhất trong lịch sử nhân loại. Ðồng thời, chính tính
đúng đắn, khoa học trong lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin về CNXH, cùng những
thành tựu của CNXH hiện thực ở Liên Xô và Ðông Âu, cũng như sự tồn tại và phát
triển của các nước XHCN hiện nay cũng là nguyên nhân, động lực thúc đẩy CNTB có
những thay đổi, điều chỉnh về quan hệ sở hữu, về an sinh xã hội, phúc lợi xã hội...
những năm qua.
Cố tình phủ nhận thực tế đó, các đối
tượng chống phá không ngừng mục đích gieo rắc sự hoài nghi, dao động, hoang
mang trong cán bộ, đảng viên và nhân dân Việt Nam về CNXH và con đường đi lên
CNXH bằng nhiều luận điệu xuyên tạc mới, tinh vi, xảo quyệt và rất khó nhận diện.
Như việc rêu rao rằng hiện nay "các nước tư bản trên thế giới đã có những
điều chỉnh, thay đổi về mặt bản chất", "thực chất Việt Nam xác định
phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN cũng chỉ là đang hướng theo con
đường TBCN",... cho nên "không cần nói đến CNXH và con đường đi lên
CNXH nữa", hiện tại CNTB đã phát triển về mọi mặt và có những điều chỉnh
theo hướng tiến bộ thì tại sao Việt Nam cứ nhất thiết phải đi theo một chế độ
xã hội đã thoái trào?...
Không ít người do thiếu thông tin,
chưa hiểu hết bản chất vấn đề nên đã ủng hộ, tán thành quan điểm này. Song cần
thấy rằng sự điều chỉnh, thay đổi của CNTB về một số điểm trong quan hệ sở hữu,
trong an sinh xã hội... thực chất chỉ là hình thức "xoa dịu" mâu thuẫn
trong giai cấp công nhân và nhân dân lao động, "che đậy" bản chất bóc
lột bên trong một cách tinh vi. Cho nên đó chưa phải là sự thay đổi về bản chất
và cũng chưa thể giải quyết tận gốc những bất công, những mâu thuẫn nội tại
trong lòng xã hội tư bản hiện nay. Mặc dù không thể phủ nhận những thành quả to
lớn của CNTB đem lại, nhưng có thể thấy giai cấp hưởng lợi ích nhiều nhất vẫn
là giai cấp tư sản (nhất là giới tài phiệt, giới siêu giàu) chứ không phải quảng
đại quần chúng nhân dân lao động. Giới nhà giàu chỉ chiếm 1% nhưng lại đang nắm
giữ 99% của cải của xã hội và sự chênh lệch giàu nghèo ngày càng gia tăng. Ngay
trong lòng xã hội tư bản nhiều năm qua vẫn âm ỉ các phong trào đấu tranh, biểu
tình của những người lao động chống lại sự tham lam của giới nhà giàu và sự bất
công trong xã hội, chống lại nạn phân biệt chủng tộc, sắc tộc; nạn thất nghiệp,
nghèo đói, bất bình đẳng, khủng bố, bạo lực,... vẫn là hiện tượng phổ biến ở
hàng loạt các nước tư bản phát triển.
Ở Việt Nam, nền kinh tế thị trường định
hướng XHCN không phải là kinh tế thị trường tự do theo kiểu TBCN, mà là một mô
hình kinh tế trong thời kỳ quá độ lên CNXH, là một kiểu tổ chức kinh tế vừa
tuân theo những quy luật của kinh tế thị trường vừa dựa trên cơ sở và được dẫn
dắt, chi phối bởi các nguyên tắc và bản chất của chủ nghĩa xã hội. Các nước
XHCN lựa chọn kế thừa những thành quả của nhân loại không phải là việc từ bỏ
con đường CNXH, hay CNTB điều chỉnh, thích nghi không phải là thay đổi về bản
chất. Cho nên, việc xác định chế độ chính trị, đi theo con đường nào cho đến
ngày nay vẫn là cần thiết. Theo quy luật vận động khách quan của lịch sử xã hội
loài người, CNXH vẫn là một chế độ xã hội mang bản chất ưu việt cần hướng tới,
là một tất yếu.
Thời gian qua, các đối tượng chống phá
không ngừng lợi dụng một số hạn chế, sai lầm trong cơ chế, chính sách và sự yếu
kém về năng lực, đạo đức của một số cán bộ lãnh đạo, quản lý để quy chụp rằng:
những hạn chế, sai lầm đó là "do bản chất của chế độ", rằng Việt Nam
sau mấy chục năm chiến tranh vẫn đầy bế tắc trong phát triển kinh tế và đời sống
nhân dân vẫn nghèo đói, khổ cực... Ðây là cách nhìn nhận hết sức phiến diện, một
chiều, thiếu thiện cảm, phủ nhận những thành tựu và giá trị tốt đẹp của xã hội
XHCN mà Việt Nam đang xây dựng, hòng xóa bỏ con đường đi lên CNXH ở nước ta. Vấn
đề này đòi hỏi phải được nhìn nhận một cách khách quan, đúng đắn. Bất cứ một chế
độ xã hội nào cũng sẽ tồn tại những hạn chế, thiếu sót, và đó không phải là
"đặc trưng" của CNXH như các thế lực phản động xuyên tạc. Ðiều quan
trọng ở đây là phải nhìn nhận đúng bản chất đích thực ưu việt, nhân văn của chế
độ xã hội và những mục tiêu, giá trị tốt đẹp mà xã hội đó hướng tới - điều chỉ
có ở CNXH.
Những thành tựu và vị thế mà Việt Nam
có được hiện nay là không thể phủ nhận. Sau hơn 38 năm đổi mới và 49 năm thống
nhất đất nước, Việt Nam đã có "thế và lực" mới, đất nước "chưa
bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay",
điều này đã được minh chứng rõ ràng trong thực tế. Việt Nam đã ra khỏi khủng hoảng
kinh tế, kinh tế tăng trưởng khá và trở thành nước đang phát triển có thu nhập
trung bình; hoàn thành sớm mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc về xóa đói,
giảm nghèo, là điểm sáng về giảm nghèo trên thế giới. Mức sống, sức khỏe và tuổi
thọ của người Việt Nam không ngừng được nâng lên, thể hiện ở Chỉ số phát triển
con người (HDI) liên tục tăng trong bảng xếp hạng của Liên hợp quốc. Ðồng thời
hàng loạt các chỉ số quốc gia của Việt Nam được cải thiện và vươn lên trên các
bảng xếp hạng quốc tế, như Top 30 các quốc gia hùng mạnh nhất thế giới năm
2022; xếp vị trí 48/132 quốc gia về Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII);
cùng nhiều các chỉ số không ngừng được tăng cao như chỉ số năng lực cạnh tranh
toàn cầu (GCI), chỉ số các nước an toàn nhất, chỉ số quốc gia hạnh phúc,... Ðây
chính là những minh chứng rõ nét đã được cộng đồng quốc tế công nhận, cho thấy
luận điệu phủ nhận những thành quả trên con đường quá độ đi lên CNXH ở Việt Nam
của các đối tượng chống phá là hoàn toàn không có cơ sở.
Có thể nói, dù sử dụng cách thức chống phá nào, luận điệu cũ hay
mới, nhưng mục tiêu cuối cùng mà các thế lực thù địch muốn đạt tới cũng chính
là muốn Việt Nam thay đổi chế độ chính trị, từ bỏ sự lựa chọn con đường đi lên
CNXH. Những cách thức mà các đối tượng sử dụng ngày càng tinh vi, khó nhận diện
hơn. Hiện nay, chúng không chống phá một cách trực diện, mà thường đan cài, lồng
ghép những luận điệu cũ và mới, những thông tin đúng và tin xấu độc, xuyên tạc,
lồng ghép những vấn đề chính trị với tình hình văn hóa, xã hội trong đời sống hằng
ngày nhằm làm cho nhân dân khó phân biệt, nhận diện và đề phòng, cảnh giác.
Chính vì vậy, người dân cần hết sức tỉnh táo, có nhận thức chính trị đúng đắn,
lập trường tư tưởng vững vàng trước những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế
lực thù địch, tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Ðảng, Nhà nước.
Nhận xét
Đăng nhận xét