Những ngày qua, cả nước nô nức ngày hội
giao, nhận quân. Từ đây, những thanh niên được tuyển chọn sẽ bước vào môi trường
quân ngũ đầy vinh quang nhưng cũng nhiều thử thách, đòi hỏi sự cống hiến, hy
sinh.
Môi trường quân ngũ là môi trường lao
động đặc thù, không có ngày nghỉ, giờ nghỉ. Mỗi quân nhân đều thực hiện lao động
đặc thù, không chỉ đổ mồ hôi, tâm sức mà còn sẵn sàng hy sinh tính mạng để thực
hiện nhiệm vụ. Trong môi trường quân ngũ, từ người chỉ huy tới chiến sĩ đều phải
chấp nhận cuộc sống xa gia đình, xa người thân có khi biền biệt hàng tháng,
hàng năm trời. Chính vì vậy, quan tâm tới hậu phương quân nhân là một nhiệm vụ
vô cùng quan trọng, cần được thực hiện tốt để bảo đảm cán bộ, chiến sĩ toàn quân
yên tâm thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng mà Tổ quốc giao cho.
Trong các cuộc kháng chiến giành độc lập
dân tộc, thống nhất đất nước, hậu phương luôn dành tất cả cho tiền tuyến, không
chỉ là vật chất, phương tiện, con người, mà cả tinh thần, tình cảm để người đi
chiến đấu vững lòng, quyết tâm đánh giặc. Thời bình hiện nay, thân nhân của
quân nhân tại ngũ được quan tâm, được hưởng những chính sách ưu đãi như bố mẹ đẻ,
bố mẹ vợ/chồng, người nuôi dưỡng hợp pháp, con đẻ, con nuôi hợp pháp (con dưới
18 tuổi của sĩ quan tại ngũ) được hưởng chế độ bảo hiểm y tế; được hưởng trợ cấp
khó khăn (đối với hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ)...
Tuy nhiên, đời sống kinh tế-xã hội hiện
nay đang tác động nhiều mặt đến gia đình quân nhân. Những so bì về điều kiện vật
chất, thu nhập thực tế, điều kiện gần gũi tình cảm, chăm sóc gia đình... không
khỏi có lúc khiến người vợ của quân nhân thấy chạnh lòng. Thời chiến, gia đình
có người đi bộ đội được cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị tại địa phương
quan tâm, chăm sóc đặc biệt, cảm thấy rõ niềm vinh dự, tự hào. Thế nhưng trong
thời bình, có nơi, có lúc chưa quan tâm đúng mức tới gia đình quân nhân, làm
cho gia đình quân nhân có khi cũng giống như gia đình có người đi làm ăn xa.
Quân nhân là trụ cột trong gia đình khó có thể tập trung, toàn tâm, toàn ý cho
nhiệm vụ tại đơn vị khi còn lo ngay ngáy việc nhà bề bộn, vợ chưa có việc làm ổn
định, con nhỏ chưa có nơi học hành. Cùng với đó, theo tâm lý tự nhiên, người chồng
xa nhà luôn mang nỗi lo người vợ ở nhà có một lòng chung thủy với mình hay
không. Những chuyện tưởng như chỉ là chuyện nhỏ, chuyện cá nhân nhưng có tác động
không nhỏ tới tâm lý, tình cảm, tới tâm thế sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm
vụ của quân nhân.
Do đó, để xây dựng hậu phương quân
nhân vững vàng hơn nữa, để mỗi quân nhân và gia đình họ đều cảm thấy rõ niềm
vinh dự, tự hào vì bản thân mình và con cháu, chồng/vợ, cha/mẹ mình được theo
binh nghiệp thì cần tiếp tục nghiên cứu có thêm chính sách cho gia đình quân
nhân như: Ưu tiên nhận con quân nhân vào trường mầm non, cộng điểm cho con quân
nhân trong các kỳ thi bậc phổ thông, đại học; quan tâm tạo việc làm cho vợ hoặc
chồng của quân nhân. Cùng với đó, cấp ủy, chính quyền địa phương nên quan tâm
hơn nữa trong việc thăm hỏi, động viên, thực hiện tốt các chính sách đối với
gia đình quân nhân tại ngũ. Hệ thống chính trị ở cơ sở nên quan tâm hơn nữa tới
việc vun vén, có các hoạt động để góp phần bảo vệ hạnh phúc của gia đình quân
nhân. Hậu phương có vững thì quân nhân mới yên tâm thực hiện tốt nhiệm vụ
thiêng liêng mà Tổ quốc giao cho./.
Nhận xét
Đăng nhận xét