Trong những năm qua, hoạt động
khủng bố trên thế giới không ngừng gia tăng cả về số vụ, quy mô, phương thức và
tính chất nguy hiểm, đe dọa an ninh của nhiều quốc gia. Đáng chú ý là, lợi dụng
chống khủng bố, một số thế lực hiếu chiến đã, đang can thiệp vào các quốc gia
có độc lập, chủ quyền. Vì vậy, nghiên cứu, nhận diện và đề ra cách phòng, chống
khủng bố ở nước ta là vấn đề cấp thiết.
Ở nước ta, mặc dù chưa xảy ra khủng bố do
các tổ chức khủng bố quốc tế tiến hành, nhưng những biểu hiện của các hoạt động
tội phạm có tổ chức gần đây cũng tiềm ẩn mầm mống, nguy cơ khủng bố. Đặc biệt,
lợi dụng chủ trương hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước ta, một số đối tượng
trong nước đã liên lạc, móc nối với một số tổ chức nước ngoài liên quan đến khủng
bố. Gần đây, cơ quan an ninh đã phát hiện hàng trăm đối tượng phản động lưu
vong người Việt ở nước ngoài xâm nhập nội địa có mang theo vũ khí, phương tiện
kỹ thuật và không loại trừ nhằm sử dụng vào mục đích khủng bố, v.v. Vì thế, việc
sớm nhận diện và có biện pháp phòng, chống khủng bố có ý nghĩa quan trọng đối với
an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Tuy nhiên, do nguyên nhân phát sinh,
quy mô, tính chất và phương thức hoạt động khủng bố rất đa dạng, phức tạp;
trong đó, ở từng nhóm khủng bố khác nhau thủ đoạn hoạt động cũng khác nhau, thậm
chí mang tính đột biến, khó lường nên việc nhận diện, dự báo về khủng bố gặp
nhiều khó khăn. Xuất phát từ đặc điểm, quy luật của hoạt động khủng bố ở khu vực
và thế giới; điều kiện cụ thể, tình hình nội tại đất nước cùng những biểu hiện
về khủng bố và liên quan đến khủng bố ở nước ta, bước đầu có thể dự báo một số
vấn đề về đối tượng, mục đích, âm mưu, thủ đoạn và phương thức hoạt động khủng
bố.
Về đối tượng khủng
bố ở nước ta có thể bao gồm: lực lượng khủng bố quốc tế do một số tổ chức tôn
giáo cực đoan hoặc thế lực hiếu chiến thù địch tiến hành. Lực lượng này có thể
tổ chức ra các nhóm khủng bố vũ trang, tổ, đội đặc nhiệm để thực hiện hoạt động:
đánh bom tự sát, đột kích đường không hoặc khủng bố trên không, trên biển. Đó
là lực lượng người Việt phản động lưu vong kết hợp với các nhóm khủng bố từ
ngoài xâm nhập vào nước ta. Đó còn là các nhóm khủng bố cực đoan trong một số
dân tộc, tôn giáo trên các vùng, miền; tội phạm hình sự nguy hiểm, cùng đường;
phần tử thoái hóa biến chất, bất mãn với chế độ,… bị thế lực thù địch, hiếu chiến
kích động, mua chuộc. Tùy theo tình hình và điều kiện địa bàn cụ thể, những đối
tượng này có thể độc lập hoặc câu kết với nhau, tạo sự đan xen về đối tượng rất
phức tạp.
Về mục đích, ở
từng loại đối tượng khủng bố khác nhau, mục đích của chúng cũng khác nhau, song
về cơ bản thường nhằm: sát hại, bắt giữ, khống chế công dân nước ngoài, lãnh đạo
cấp cao; phá hoại các mục tiêu chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và quốc
phòng - an ninh trọng yếu, v.v. Thông qua đó, gây tâm lý hoảng loạn trong nhân
dân, làm rối loạn xã hội, nhất là ở một số khu vực, địa bàn trọng yếu, tạo “cú
sốc” về tâm lý xã hội, phá hoại sự ổn định bên trong, làm mất lòng tin của nhân
dân và nhà đầu tư đối với cấp ủy, chính quyền các cấp. Trên cơ sở đó, tạo
cớ và thời cơ cho hoạt động xâm lấn lãnh thổ, kích động bạo loạn trong nước,
làm ta suy yếu, tiến tới xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và chế độ xã hội chủ
nghĩa ở nước ta. Để thực hiện mục đích đó, khủng bố thường nhằm vào những mục tiêu
và thời điểm nhạy cảm, như: trung tâm chính trị, kinh tế, đầu mối giao thông,
trung tâm thương mại, thông tin, phát thanh - truyền hình, công trình thủy lợi,
thủy điện, các kho nhiên liệu, hóa chất, thuốc nổ, v.v.
Về phương thức, thủ đoạn, thường đẩy
mạnh tuyên truyền, xuyên tạc, kích động quần chúng nhân dân hòng mua chuộc, lôi
kéo, tập hợp lực lượng từ các phần tử dân tộc, tôn giáo cực đoan, đối tượng có
tư tưởng hận thù, phần tử cơ hội, bất mãn, thoái hóa biến chất, một bộ phận quần
chúng nhẹ dạ, cả tin,… để hình thành tổ chức bí mật ở trong và ngoài nước. Tiếp
đó, chúng bí mật tiếp cận nắm bắt tình hình, lựa chọn mục tiêu, lợi dụng sơ hở,
mất cảnh giác của ta (nhất là trong các dịp lễ hội, sự kiện chính trị lớn của đất
nước), sử dụng lực lượng “đặc nhiệm”, bất ngờ tiến công đánh chiếm mục tiêu, bắt
giữ con tin,… gây chấn động trong xã hội. Các đòn tiến công khủng bố này có thể
diễn ra đồng thời hoặc kế tiếp nhau vào một số khu vực, nhằm tạo hiệu ứng lan
truyền, kích động tập hợp thêm lực lượng. Quá trình thực hiện, các phần tử khủng
bố thường kết hợp tuyên truyền, tung tin thất thiệt, nhằm vu cáo, đổ lỗi cho Đảng,
Nhà nước ta, gây tâm lý hoang mang trong nhân dân, nâng cao hiệu ứng khủng bố để
sớm đạt được mục tiêu đề ra. Đồng thời, triệt để thực hiện các hoạt động nghi
binh, đánh lạc hướng điều tra, truy bắt của ta, như: mạo danh, đứng đằng sau chỉ
đạo từ xa, trà trộn vào nhân dân hoặc lực lượng tham ra ứng cứu để dễ bề tẩu
thoát. Thủ đoạn chúng thường sử dụng là, phối hợp các đòn tiến công khủng bố với
các hoạt động chống phá về chính trị, kinh tế, ngoại giao và gây sức ép về quân
sự để thực hiện mục tiêu chính trị của chúng.
Từ những phân tích nêu trên cho thấy,
phòng, chống khủng bố là cuộc đấu tranh hết sức gay go, phức tạp, quyết liệt và
lâu dài, đòi hỏi sự lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai chặt chẽ, toàn diện,
khẩn trương, thận trọng cả trong chuẩn bị và thực hành xử lý các vụ việc cụ thể.
Nhận xét
Đăng nhận xét