Gần
đây, trước tình trạng các vụ lừa đảo trực tuyến ngày càng gia tăng với những thủ
đoạn tinh vi, một chiêu trò mới đã xuất hiện nhằm tiếp tục lợi dụng và chiếm đoạt
tài sản từ các nạn nhân. Lấy danh nghĩa "giúp đỡ" khôi phục lại tài sản
đã mất, nhiều đối tượng lừa đảo lập fanpage, website mạo danh các cơ quan chức
năng, đặc biệt là cơ quan Công an, để dụ dỗ nạn nhân.
Đánh
vào tâm lý mong muốn nhanh chóng lấy lại tiền bị chiếm đoạt, các đối tượng tạo
ra hàng loạt fanpage giả danh Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng
công nghệ cao hoặc các công ty luật uy tín. Chúng quảng cáo các dịch vụ với những
nội dung hấp dẫn như “thu hồi tiền bị treo,” “hỗ trợ lấy lại tiền không cần cọc,”
hay “thu hồi tiền từ các nền tảng thương mại điện tử,” kèm theo cam kết chỉ thu
phí khi người dân nhận lại tiền.
Để
tăng độ uy tín, các đối tượng còn sử dụng nhiều tài khoản ảo bình luận cảm ơn
“đơn vị hỗ trợ,” tạo lòng tin để lừa đảo. Thậm chí, chúng chạy quảng cáo, khiến
những nội dung này xuất hiện liên tục trên mạng xã hội, thu hút nhiều lượt truy
cập và tương tác.
Thay
vì trình báo cơ quan Công an, một số nạn nhân nhẹ dạ đã liên hệ với các fanpage
giả mạo này. Từ đó, họ bị yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, chi tiết vụ việc
lừa đảo, tải thêm ứng dụng như Zalo hoặc Telegram để “tiện liên hệ” và chuyển
khoản trước một khoản tiền làm “phí xử lý hồ sơ.” Sau khi tạo được lòng tin, chúng
tiếp tục yêu cầu nộp thêm tiền với lý do “hồ sơ chưa đầy đủ,” “phí xét duyệt,”
hoặc “lỗi hệ thống.” Nạn nhân không chỉ mất tài sản một lần nữa mà còn bị bỏ
rơi, không cách nào liên lạc được.
Các
thủ đoạn này tuy không mới nhưng vẫn hiệu quả bởi chúng đánh vào sự hoang mang
và thiếu cảnh giác của người dân. Thậm chí, kẻ gian còn sử dụng phần mềm chỉnh
sửa để tạo ra các tài liệu giả, làm nạn nhân tin rằng hồ sơ của họ đang được xử
lý. Điều này không chỉ gây thiệt hại tài chính mà còn khiến nạn nhân e ngại khi
tìm đến cơ quan chức năng thực sự.
Cơ
quan Công an thành phố Đà Nẵng khuyến cáo người dân không liên hệ hoặc thực hiện
bất kỳ giao dịch nào với các fanpage, website mạo danh quảng cáo các dịch vụ “hỗ
trợ thu hồi tài sản.” Hiện nay, Công an không phối hợp hoặc ủy quyền bất kỳ tổ
chức, cá nhân nào tiếp nhận và xử lý các vụ lừa đảo qua mạng. Khi gặp trường hợp
bị lừa đảo, người dân cần trực tiếp đến cơ quan Công an trình báo hoặc gửi đơn
qua đường bưu chính để được hỗ trợ chính thức.
Để
tự bảo vệ mình, người dân cần thường xuyên theo dõi và cập nhật thông tin từ
các kênh chính thống, tránh xa những giao dịch chuyển tiền qua mạng xã hội khi
chưa xác minh rõ ràng danh tính bên liên quan. Nếu nghi ngờ bị lừa đảo, hãy
nhanh chóng liên hệ cơ quan Công an gần nhất để đảm bảo quyền lợi và được hỗ trợ
kịp thời.
Nhận xét
Đăng nhận xét